Nguồn máy tính (PSU) đóng vai trò rất quan trọng cũng như đem đến tính ổn định cho toàn bộ linh kiện hoạt động bên trong máy tính. Việc lựa chọn đúng công suất PSU là cực kỳ quan trọng để đảm bảo tính ổn định của hệ thống và tránh lãng phí lượng điện năng. Để xác định nhu cầu công suất, chúng ta cần liệt kê tất cả các thành phần trong hệ thống, bao gồm CPU, GPU, ổ lưu trữ, RAM, quạt và các thiết bị USB.
Nguồn máy tính sẽ chuyển đổi từ điện AC sang điện DC – đây là loại điện năng mà các thành phần của máy tính của bạn cần để có thể hoạt động được. Tuy nhiên, không phải nguồn máy tính nào cũng có công suất như nhau và việc chúng ta lựa chọn bộ nguồn phù hợp là điều hết sức quan trọng.
Tại sao công suất nguồn lại quan trọng đến vậy
Bộ nguồn của máy tính được xem như trái tim quan trọng của cả hệ thống. Chức năng của nguồn máy tính là nó là cung cấp năng lượng cho toàn bộ các bộ phận linh kiện bên trong case máy tính của bạn như: mainboard, card đồ họa, ram, cpu…, giúp chúng có thể hoạt động một cách bình thường.
Nếu nguồn máy tính không đủ công suất, thường là các dòng nguồn no name trên thị trường, nó có thể gây ra những vấn đề về hiệu suất hoặc độ ổn định của toàn bộ hệ thống hoặc điều tồi tệ nhất là nó có thể gây chập và cháy toàn bộ linh kiện bên trong case máy tính của bạn. Mặt khác, nếu nguồn máy tính của bạn có công suất dư thừa, điều này có thể dẫn đến lãng phí điện năng và tiền bạc của người sử dụng, giống như khi bạn mua một bộ nguồn 1000watts mà chỉ để chạy cho chiếc card đồ họa từ thời napoleong GTX 750 TI vậy.
Chọn nguồn công suất thế nào và bao nhiêu watts là hợp lí ?
Để biết nguồn máy tính của bạn cần bao nhiêu watt, đơn giản là bạn chỉ cần liệt kê tất cả các thành phần linh kiện bên trong hệ thống máy tính của bạn như CPU và GPU ( card đồ họa) rồi đến ổ cứng HDD hoặc SSD, RAM, quạt và thậm chí là cả số lượng thiết bị USB bạn định sử dụng như ổ cứng di động, máy in, máy fax, hay nếu bạn là game thủ thích màu mè và bạn sử dụng nhiều quạt LED RGB ĐỂ trang trí cho dàn case máy tính của bạn thì chúng ta cũng cần tính toán vào cho hợp lí. Nếu bạn bỏ qua một loạt các thành phần nhỏ, chúng có thể nhanh chóng tạo ra sự khác biệt đáng kể và có thể ảnh hưởng đáng kể đến tuổi thọ của linh kiện bên trong case máy tính.
Một số công cụ mà bạn có thể sử dụng trực tuyến để tính toán nguồn điện tiêu thụ của nguồn máy tính, chẳng hạn như công cụ tính toán từ Cooler Master và Newegg, bạn chỉ cần nhập thông tin chi tiết về các thành phần linh kiện máy tính của bạn và các công cụ này sẽ tính toán đề xuất công suất nguồn máy tính cho bạn. Công cụ tính toán có thể không chính xác hoàn toàn nhưng hoàn toàn đủ cơ sở để bạn tin tưởng.
Nếu bạn build dàn máy tính có tổng công suất 500W, nhưng GPU( card đồ họa) của bạn là RTX 3070 ti yêu cầu 200W.
Nếu đường rail +12V của nguồn máy tính không cung cấp đủ cường độ dòng điện để tạo ra năng lượng để GPU hoạt động ổn định thì nó có thể ảnh hưởng đến các thành phần linh kiện khác bên trong máy tính của bạn. Trên mỗi bộ nguồn điều có thông tin chi tiết đường 12v, ở dưới là thông tin cường độ dòng điện đơn vị là A, ví dụ 48A, 24A…ta chỉ cần lấy số 12v X 48A là 576 watts, vậy là nguồn này đủ công suất để chạy cả dàn máy tính 500w cũng như hoạt động ổn định đối với card RTX 3070 ti
Các thành phần linh kiện và mức tiêu thụ năng lượng của chúng
Các thành phần linh kiện khác nhau có thể yêu cầu lượng điện tiêu thụ khác nhau. Nếu bạn đang sử dụng card đồ họa cao cấp như RTX 4080 hay RX 7900XT đây là các mẫu card mới nhất của hãng Nvidia và AMD có thể yêu cầu lượng điện tiêu thụ hơn 300 watt trở lên, trong khi CPU hiệu suất cao có thể sử dụng hơn 100 watt. Ngược lại, các thành phần như SSD, HDD và RAM thường yêu cầu ít hơn 10 watt cho mỗi thành phần.
Do đó, một hệ thống máy tính nếu bạn sử dụng nhiều GPU hay GPU cao cấp hoặc CPU được ép xung thì bạn sẽ cần một bộ nguồn máy tính có công suất lớn hơn rất nhiều so với các bộ máy văn phòng.
Nguồn máy tính xếp hạng như thế nào ?
Ví dụ bạn mua được một bộ nguồn có thông số như sau: 80 Plus Gold có hiệu suất hoạt động ít nhất là 89% ở mức tải từ 20-100%, nghĩa là 11% điện năng đó sẽ bị lãng phí dưới dạng nhiệt. Hay như các bộ nguồn có xếp hạng hiệu quả cao hơn nhưng giá thành khá cao như 80 Plus Platinum hoặc Titanium, nó sẽ ít lãng phí điện năng tiêu thụ hơn và thường được nhà sản xuất chế tạo với các linh kiện tốt và bền hơn, do đó mang lại độ ổn định cao hơn và tuổi thọ dài hơn cho bộ nguồn của bạn.
Chi phí và cách đầu tư mua nguồn máy tính hợp lí
Khi bạn chọn một bộ nguồn máy tính, thì bạn nên chú ý tính đến các thành phần linh kiện cần nâng cấp trong tương lai như card đồ họa và CPU chẳng hạn. Nếu bạn định thêm một ổ cứng khác, nâng cấp card đồ họa hoặc nâng cấp RAM trong tương lai, hãy xem xét một bộ nguồn vượt quá nhu cầu công suất hiện tại của bạn (ví dụ) 20-30% để tránh trường hợp ta phải mua một bộ nguồn mới để đáp ứng được lượng điện tiêu thụ cho các thành phần linh kiện máy tính mà chúng ta muốn nâng cấp.
Một bộ nguồn có công suất dư dã thì cũng giúp tăng tuổi thọ và giảm gánh nặng cho nguồn của bạn. Nguồn máy tính thường hoạt động tốt nhất ở khoảng 50-70% tổng công suất của chúng, vì việc bạn để bộ nguồn máy tính của bạn chạy hết công suất trong thời gian dài có thể làm giảm tuổi thọ của chúng.